Giải pháp xóa bỏ tình trạng 'tín dụng đen' ở vùng cao
Để hạn chế tình trạng người dân mắc bẫy 'tín dụng đen', các tổ chức tín dụng hợp pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để giúp người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn 'sạch'.
Mấy năm trước đây, người dân ở Na Hát, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên ai cũng biết đến Nguyễn Thế Trì, tức Trì “cá”, là người chuyên thực hiện các hoạt động cho vay nặng lãi. Một số hộ dân ở đây đã vay vốn của Trì để trang trải cuộc sống. Với lãi suất "cắt cổ" từ 50-70%, nhiều hộ nghèo không có khả năng chi trả đã bị siết nợ bằng những thứ có giá trị của gia đình là nhà ở hoặc đất sản xuất.
Một nạn nhân tên L.T.B ở xã Mường Luân chia sẻ rằng, bà vay của Trì số tiền lớn nên phải thế chấp căn nhà. Đến hạn trả nợ nhưng không có tiền, bị thúc ép quá nhiều, bà đành phải gán nhà, dựng lán để ở. Đợt vừa rồi mưa gió, lán dột phải sang nhà con trai ở nhờ.
Bà L, một nạn nhân khác của nạn “tín dụng đen” kể: Năm 2016, bà vay 140 triệu đồng nhưng đến năm 2019, tổng số tiền phải trả là trên 700 triệu đồng. Trong giấy vay tiền tuy không quy định lãi suất, nhưng mỗi tháng bà L. phải trả 9.600.000 đồng tiền lãi, nếu không trả đúng hạn sẽ bị phạt 5.000 đồng/triệu/ngày, thậm chí cao hơn. Nhận thấy gia đình bà L. không đủ khả năng chi trả, các đối tượng cho vay tiếp tục gợi ý vay tiền với hình thức “bốc bát họ”, cho vay thêm 30 triệu đồng để trả lãi của khoản vay cũ. Số tiền này không được rút ra mà phải trừ dần mỗi tháng 800 nghìn đồng cho đến hết. Số tiền vay bổ sung đó lại tiếp tục được cộng vào tiền gốc vay ban đầu.
Ngày nào chủ nợ cũng dẫn người đến xem nhà, ra giá bán nhà; thường xuyên cho mấy người xăm trổ đến chửi bới, thậm chí còn ăn ngủ tại gia đình cả tuần để thúc ép trả tiền. Bà L. kể, có năm, mùng 4 Tết họ đến gây rối đòi tiền, không mở cổng thì họ trèo cổng vào, ngồi án ngữ giữa nhà.
Ở vùng cao Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái), câu chuyện của chị Lò Thị Nh. cũng là một ví dụ điển hình cho nạn “tín dụng đen” hoành hành, và nhiều người đã bị vạ lây vì khoản vay nợ của chị. Họ bị những chủ nợ của chị nhiều lần gọi điện vào đêm khuya để thúc giục chị trả nợ.
Vốn là người dân tộc chân chất với cây lúa cây ngô, nhiều người dân ở cùng bản với chị Nh. chưa hiểu “tín dụng đen” hay “vay qua app” là gì, nhưng khi nghe những cuộc điện thoại lạ, họ thấy các chủ nợ nói nhiều điều không hay về chị, rằng chị hiện đang nợ họ một khoản tiền mà không chịu trả, rằng chị có ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền… Những người trong bản xì xào, bàn tán về chị. Ngượng ngùng, chị Nh. đã phải bán chiếc xe máy đi để trả cho khoản nợ 2 triệu của mình.
“Bị thúc bách về tiền, tôi đã làm theo hướng dẫn trên một ứng dụng (app) cho vay tiền. Đầu tiên, họ bảo tôi phải tải về máy di động một ứng dụng, trong đó có hợp đồng cho vay tiền online, tôi đã gửi ảnh chụp giấy chứng minh nhân dân, điền đầy đủ các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động của mình. Sau đó có người tự xưng là nhân viên của app vay tiền gọi cho tôi kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên app. Ngay sau đó, tài khoản của tôi báo nhận được khoản tiền vay 2 triệu đồng”, chị Nh. chia sẻ.
Trước đây, khi internet chưa phát triển, ở các vùng quê, hay vùng núi, rẻo cao, tình trạng cho vay nặng lãi diễn ra dưới một hình thức khác như “bốc bát họ”, chơi “phường”, hay có khi là vay lãi các sản phẩm nông nghiệp, vay 1 thì trả bằng 1,5. Song, thời gian qua, khi các app “tín dụng đen” xuất hiện, người vay và người nhận chỉ giao dịch với nhau qua điện thoại di động; cam kết hay điều kiện gì cũng gửi “qua mạng”. Nhiều người cần vay tiền, khi không muốn phiền lụy người thân hay do ngại ngùng, đã tìm đến các app này.
Trước thực trạng trên, để giúp người dân vùng núi xa xôi tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và để tránh bẫy “tín dụng đen”, trả lời một độc giả trong cuộc giao lưu trực tuyến “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức” do Báo CAND phối hợp cùng Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng SMBC – FE CREDIT tổ chức, bà Đặng Thị Thanh Hồng, Phó Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, để mở rộng khả năng tiếp cận tài chính tín dụng lành mạnh của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cần có những giải pháp kết hợp từ tổ chức tín dụng và cả khách hàng.
Bà Đặng Thị Thanh Hồng, Phó Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Với tổ chức tín dụng, bà cho rằng cần phát triển các dịch vụ mới với món vay nhỏ, thủ tục thuận tiện. Bà cho biết, thực tế thời gian qua, một số ngân hàng cũng mở gói dịch vụ cho vay mới với số tiền lên tới 30 triệu đồng, mà có thể giải ngân ngay trong ngày.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tiếp cận khách hàng. Tại những vùng chưa có chi nhánh, các tổ chức tín dụng có thể thiết lập mô hình ngân hàng lưu động. Ngành ngân hàng cũng nên chủ động có giải pháp tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh lãi và kỳ hạn trả nợ phù hợp để khách hàng không cần tìm đến “tín dụng đen”.
Còn về phía khách hàng, bà chia sẻ cũng nên có nhận thức về thủ đoạn và tác hại nếu vay từ “tín dụng đen”. Các địa phương, tổ chức chính trị, xã hội cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân tìm đến nguồn tín dụng chính thức, thay vì vay “tín dụng đen” khi có nhu cầu.
Theo CAND (3.1.2022)