TOÀN ẢNH (HOLOGRAM) VÀ HOA NGHIÊM - MICHAEL TALBOT - VŨ TRỤ TOÀN ẢNH

in #khampha6 years ago

37774588_878084305710549_7140170670452768768_n.jpg

Từ đây mô hình toàn ảnh sẽ đi tới đâu? Trước khi tìm câu trả lời, chúng ta nên suy nghĩ xem câu hỏi này xuất hiện từ đâu. Trong cuốn sách này, tôi đã dẫn chiếu tới khái niệm toàn ảnh như là một lý thuyết mới, và điều này là đúng theo nghĩa đây là lần đầu tiên nó được giới thiệu trong một ngữ cảnh khoa học. Nhưng như chúng ta đã thấy, một số khía cạnh của lý thuyết này đã được báo trước trong nhiều nền văn hóa cổ xưa khác nhau. Chúng không phải là những điềm báo duy nhất, đây là một điều hấp dẫn vì nó gợi ý rằng những khía cạnh khác cũng đã tìm ra lý do để xem vũ trụ là toàn ảnh, hay chí ít là cảm nhận được những phẩm chất toàn ảnh của nó bằng trực giác.

Ví dụ, ý tưởng của Bohm cho rằng vũ trụ có thể được xem là hợp bởi 2 cảnh giới cơ bản, ẩn giấu và tường minh, có thể đã được tìm thấy trong nhiều nền văn hóa cổ khác. Các phật tử Tây Tạng gọi hai mặt này là Không và Sắc. Sắc là thực tại của các vật thể nhìn thấy được. Còn Không, giống như trật tự ẩn, là nơi sinh ra vạn vật trong vũ trụ và tuôn ra thành một “dòng chảy liên tục”. Tuy nhiên, chỉ Không là thực, còn mọi dạng hình thức trong thế giới khách quan đều là ảo giác, chúng chỉ tồn tại đơn giản là vì dòng chảy không dừng giữa hai cảnh giới này.

Đến lượt mình, Không được mô tả là “tinh thể”, “không thể phân chia” và “không có những đặc tính phân biệt”. Bởi vì nó là một tổng thể, không có vết nối, nên không thể mô tả được bằng lời. Nói một cách chặt chẽ, ngay cả sắc cũng không thể mô tả được bằng lời, vì nó cũng là một toàn bộ, một tổng thể nguyên vẹn trong đó ý thức và vật chất hòa trộn và không thể phân chia được. Tại một điểm này có một nghịch lý, vì mặc dù bản chất là ảo, sắc vẫn chứa “một tổ hợp vô cùng rộng lớn các vũ trụ”. Và khía cạnh không thể phân chia được của nó vẫn luôn hiện diện. Như học giả về Tây Tạng John Blofeld đã nói: “Trong một vũ trụ được cấu thành như vậy, vạn vật thâm nhập và bị thâm nhập bởi vạn vật khác; như với Không, cũng như với sắc - cái bộ phận cũng là cái tổng thể.”

Những người Tây Tạng cũng đã miêu tả trước một số ý tưởng của Pribram. Theo Milarepa, một nhà yoga Tây Tạng ở thế kỷ 11 và là vị Thánh được tôn kính nhất ở Tây Tạng, thì lý do chúng ta không có khả năng nhận thức được cái Không một cách trực tiếp là do tính “chế định” của vô thức chúng ta (hay “ý thức bên trong” như cách gọi của Milarepa). Tính chế định này không chỉ ngăn chúng ta nhìn thấy cái mà ông gọi là “ranh giới giữa tinh thần và vật chất”, hay cái mà chúng ta gọi là miền tần số, mà còn buộc chúng ta tạo ra cho mình một thể xác trong khoảng giữa hai lần đầu thai khi mà không còn cơ thể nữa. Milarepa đã viết, “Trong cõi giới không nhìn thấy được của bầu trời... ý thức hảo huyền, viễn vông là thủ phạm lớn nhất”, ông đã chỉ bảo các môn đệ của mình thực hành “nhìn và chiêm nghiệm thấu đáo” để nhận ra “thực tại tối hậu” ấy.

Những Phật tử Thiền tông cũng nhận ra tính không thể phân chia tối hậu của thực tại; và thực tế, mục tiêu chính của Thiền tông là học tập cách để nhận thức được tính tổng thể. Trong cuốn sách của họ mang tên Những Trò Chơi Của Các Bậc Thầy Thiền Tông, và trong những lời có thể tìm thấy ngay ở một trong các bài báo của Bohm, Robert Sohl và Audrey Carr đã tuyên bố: “Nhầm lẫn giữa bản chất không thể phân chia của thực tại với những hạn chế về khái niệm của ngôn ngữ là sự vô minh cơ bản mà Thiền tông tìm cách để giải phóng chúng ta. Những câu trả lời tối hậu cho tồn tại không thể tìm thấy trong những khái niệm trí tuệ và những triết lý phức tạp, mà là trong cấp độ trải nghiệm trực tiếp, phi khái niệm [về thực tại].

Người Hindu gọi cấp độ ẩn giấu là thực tại Brahman. Brahman không có hình dạng nhưng là nơi sinh ra mọi hình dạng trong thực tại nhìn thấy, thực tại này xuất hiện từ Brahman rồi cuộn lại thành nó trong một dòng chảy vô tận. Cũng như Bohm nói rằng trật tự ẩn giấu có thể dễ dàng được gọi ngay là tinh thần, người Hindu đôi khi nhân cách hóa cấp độ thực tại này và nói rằng nó được tạo thành chỉ bằng ý thức thuần túy. Vì vậy, ý thức không chỉ là một dạng tinh tế hơn của vật chất, mà nó còn cơ bản hơn vật chất; và trong học thuyết về nguồn gốc vũ trụ của Hindu giáo thì vật chất xuất hiện từ ý thức, chứ không phải ngược lại. Hoặc như Kinh Vệ Đà đã dạy, thế giới vật lý xuất hiện là nhờ cả hai khả năng “ẩn giấu” và “phóng chiếu” của ý thức.

Vì vũ trụ vật chất chỉ là một thực tại thế hệ thứ hai, một sự sáng tạo của ý thức ẩn giấu, nên người Hindu nói rằng nó chỉ là tạm thời và không thực, hay maya. Như phần Svetasvatara Upanishad khẳng định, “Con người cần phải biết rằng Tự nhiên là ảo ảnh (maya), và Brahman tạo ra ảo ảnh đó. Toàn bộ thế giới này tràn ngập những sinh thể là các bộ phận của nó. Tương tự, Ken Upanishad nói rằng Brahman là một cái gì đó huyền bí, “nó thay đổi hình dạng mỗi thời điểm từ con người tới lá cỏ”.

Theo Hindu giáo, bởi vì mọi thứ được triển khai từ tính tổng thể không thể quy giản được của Brahman, nên thế giới cũng là một tổng thể bền chặt, và một lần nữa chính maya không cho phép chúng ta nhận thức được rằng trong thực tại không tồn tại bất kỳ một dạng phân tách nào. “Maya chia cắt ý thức thống nhất sao cho vật thể được nhìn thấy khác đi so với chính nó, và sau đó nó được tách ra thành vô số vật thể trong vũ trụ”, học giả về Kinh Vệ Đà Sir John Woodroffe đã nói: “Và tính khách quan như vậy còn tồn tại chừng nào ý thức [của loài người] còn bị che giấu hoặc bị chế định. Nhưng trong nền tảng tối hậu của trải nghiệm, sự khác biệt sẽ biến mất, vì trong đó, cả kẻ trải nghiệm, bản thân trải nghiệm và cái bị trải nghiệm là một khối không còn phân biệt.”

Quan niệm tương tự cũng có thể tìm thấy trong Do Thái giáo. Theo truyền thống Kabbalah, “toàn bộ sáng thế là sự phóng chiếu huyền ảo các khía cạnh siêu việt của Thượng Đế”, chuyên gia người Thụy Sĩ về Kabbalah, Leo Schaya đã nói. Tuy nhiên, bất kể bản chất huyền ảo của mình, nó không phải là hư vô hoàn toàn, “bởi vì mọi phản ánh của thực tại, thậm chí từ xa, vỡ vụn và vô thường, nhưng nhất thiết phải có một cái gì đó là nguyên nhân của nó.” Quan niệm cho rằng công trình sáng thế của Thượng Đế theo sách Sáng Thế chỉ là một ảo giác đã được phản ánh cả trong ngôn ngữ Hebrew như cuốn Zohar bàn về Torah theo tinh thần Kabbalah ở thế kỷ 13, và những bản văn, ghi chú nổi tiếng nhất về những bí truyền của người Do Thái, thậm chí động từ baro, nghĩa là “sáng tạo”, cũng hàm ý quan niệm “tạo ra một ảo ảnh”.

Cũng có nhiều khái niệm toàn ảnh trong tư tưởng Shaman giáo. Những kahuna ở Hawaii nói rằng, vạn vật trong vũ trụ đều liên kết một cách vô hạn với nhau và tính tương liên này hầu như có thể hình dung như một mạng lưới. Khi nhận ra tính tương liên này của vạn vật, Shaman nhìn thấy mình ở trung tâm của mạng lưới đó và do vậy có khả năng tác động đến mọi phần khác của vũ trụ (một điều rất thú vị cần lưu ý là, khái niệm maya cũng thường xuyên được xem như một mạng lưới trong tư tưởng của Hindu giáo).

Như Bohm đã nói rằng ý thức luôn có nguồn gốc trong trật tự ẩn giấu, những thổ dân tin rằng nguồn gốc đích thực của tâm trí là trong thực tại siêu việt của thời mơ. Những người bình thường không nhận ra thực tại này và tin rằng ý thức của họ nằm trong cơ thể mình. Tuy nhiên, các Shaman biết rằng điều đó không đúng, và điều này cắt nghĩa vì sao các Shaman lại có khả năng tiếp xúc với các cấp độ tinh tế hơn của thực tại.

Người Dogon ở Sudan cũng tin rằng, thế giới vật lý là sản phẩm của một cấp độ sâu hơn và cơ bản hơn của thực tại và miên viễn chảy ra từ đó, rồi sau đó chảy ngược lại vào khía cạnh nguyên thủy hơn của tồn tại. Như một già làng Dogon mô tả: “Lấy ra rồi hoàn trả những gì đã lấy ra - toàn bộ sự sống là ở đó”.

Thực tế, ý tưởng ẩn giấu/tường minh thật sự có thể được tìm thấy trong tất cả các truyền thống Shaman giáo.Trong cuốn sách của mình nhanh đề Phù Thủy Bốn Phương: Câu chuyện của một Shaman, Douglas Shron đã viết: “Có lẽ khái niệm trung tâm của Shaman giáo, ở bất cứ xó xỉnh nào ta phát hiện ra nó, là tất cả các dạng thức nhìn thấy được trên thế giới, dù là hữu sinh hay vô sinh, đều có xuất xứ từ một nền tảng nguyên thủy và được nó nuôi dưỡng. Và rốt cuộc, vạn vật lại trở về cái chưa biết, phi bản ngã, huyền bí và không thể diễn tả bằng lời đó”.

⚛️ Cây Nến Và Laser

Chắc chắn, một trong các đặc tính quyến rũ nhất của một mảnh phim toàn ảnh là sự không định xứ của hình ảnh được phân bố trên bề mặt của phim. Như chúng ta đã thấy, Bohm tin rằng bản thân vũ trụ cũng được tổ chức theo cách này, và ông đã dùng một thí nghiệm tưởng tượng gồm 1 con cá và 2 camera truyền hình để giải thích tại sao ông tin rằng vũ trụ cũng là không định xứ. Nhiều nhà tư tưởng cổ đại dường như cũng đã nhận thức được hay chí ít đã cảm nhận được bằng trực giác khía cạnh này của thực tại. Các pháp sư Hồi giáo Sufi thế kỷ 12 đã tổng kết điều này một cách đơn giản bằng câu nói: “vũ trụ vĩ mô là vũ trụ vi mô”, một phiên bản sớm hơn của quan niệm nhìn thế giới trong một hạt cát của thi sĩ Blake. Các triết gia Hy Lạp như Anaximenes xứ Miletus, Pythagoras, Heraclitus và Plato; những người theo thuyết ngộ đạo thời cổ đại; nhà triết học tiền - Cơ Đốc giáo Do Thái Philo Judaeus và triết gia Do Thái thời Trung cổ Maimonides - tất thảy đều chấp nhận ý tưởng vũ trụ vĩ mô - vũ trụ vi mô.

Khác với quan điểm Shaman giáo về những cấp độ tinh tế hơn của thực tại, nhà tiên tri nửa thần bí Ai Cập cổ đại Hermes Trismegistus đã dùng một cách phát biểu hơi khác, ông nói rằng một trong các yếu tố quyết định dẫn tới tri thức đó là phải hiểu rằng, “cái bên ngoài tương tự như cái bên trong của vạn vật; cái nhỏ bé tương tự như cái to lớn”. Các nhà giả kim thời Trung cổ, mà Hermes Trismegistus đã trở thành vị thánh bảo hộ cho họ, đã quy ý tưởng đó thành phương châm, “Trên thế nào dưới như vậy”. Khi nói về ý tưởng vũ trụ vĩ mô - ngang - bằng - vũ trụ vi mô, Visvasara Tantra người Hindu đã sử dụng những ngôn từ hơi thô hơn và nói một cách đơn giản: “Cái gì ở đây thì cũng ở bất kỳ nơi đâu”.

Thầy mo người da đỏ tên là Black Elk thuộc bộ lạc Oglala Sioux đã xem xét ý tưởng này trong một khía cạnh không định xứ cực đoan hơn. Trong lúc đứng trên đỉnh núi Harney thuộc vùng đồi Black Hills, ông đã chứng kiến một “cảnh mộng vĩ đại” trong đó ông “đã nhìn thấy nhiều hơn tôi có thể nói ra và đã hiểu nhiều hơn những gì tôi nhìn thấy; vì bằng một cách thần thánh tôi đã nhìn thấy hình dáng của vạn vật trong tinh thần, và hình dáng của tất cả các hình dạng, khi chúng phải sống cùng nhau như một con người”. Một trong những hiểu biết sâu sắc nhất khi ông trở về từ cuộc gặp gỡ với cái không thể diễn tả nổi đó, Harney Peak là trung tâm của thế giới. Tuy nhiên, sự khác biệt này không chỉ giới hạn ở Harney Peak, vì như Black Elk đã nói: “Bất kỳ nơi nào cũng là trung tâm của thế giới”. Hơn 25 thế kỷ trước, triết gia Hy Lạp Empedocles đã chạm tới chính sự khác biệt thiêng liêng đó và viết rằng: “Thượng Đế là một vòng tròn với tâm ở mọi nơi và chu vi chẳng ở đâu cả”.

Không thỏa mãn chỉ với lời nói, một số nhà tư tưởng xưa thậm chí đã dùng đến phép loại suy tinh vi hơn nhằm truyền đạt những tính chất toàn ảnh của thực tại. Với mục đích này, tác giả Kinh Hoa Nghiêm của Phật giáo đã so sánh vũ trụ với một mạng huyền thoại các hạt ngọc được treo trên cung điện của thần Indra và “được sắp đặt sao cho nếu bạn nhìn vào một [hạt ngọc], bạn sẽ thấy tất cả các hạt khác được phản chiếu trong đó.” Tác giả này giải thích, “Theo cùng một cách, mỗi vật trong vũ trụ không tồn tại tự thân mà liên quan với những vật khác, và thực tế là tất cả những thứ khác.”

Pháp Tạng, người sáng lập trường phái Hoa Nghiêm của tư tưởng Phật giáo ở thế kỷ thứ 7, đã sử dụng một sự tương tự đặc biệt nổi bật khi cố gắng truyền đạt tính tương liên tối hậu và sự thâm nhập lẫn nhau của vạn vật. Cho rằng toàn bộ vũ trụ được ẩn giấu trong mỗi thành phần của nó (và cũng tin rằng mỗi điểm trong vũ trụ đều là trung tâm của chính nó), Pháp Tạng đã so sánh vũ trụ như một mạng lưới nhiều chiều những viên đá quý, mà mỗi viên trong đó phản chiếu tất cả các viên khác tới vô hạn.

Khi Nữ hoàng Võ Tắc Thiên tuyên bố không hiểu Pháp Tạng dùng hình ảnh này có hàm ý gì và yêu cầu ông giải thích rõ thêm, Pháp Tạng bèn treo một cây nến ở giữa một căn phòng bố trí rất nhiều gương. Ông nói với Nữ hoàng đây biểu thị mối quan hệ của cái MỘT với cái nhiều. Tiếp theo, ông lấy một viên pha lê đánh nhẵn bóng đặt tại trung tâm của căn phòng sao cho nó phản chiếu được mọi thứ xung quanh. Ông nói, đây cho thấy mối liên quan của cái nhiều với cái MỘT. Tuy nhiên, giống như Bohm nhấn mạnh rằng vũ trụ không đơn giản là một toàn ảnh mà là toàn ảnh động, Pháp Tạng nhấn mạnh rằng, mô hình này của ông là tĩnh, không phản ánh được tính động và sự vận động thường hàng của mối tương liên toàn vũ trụ giữa vạn vật ở trong đó.

Tóm lại, rất lâu trước khi phát minh ra ảnh toàn ký, rất nhiều nhà tư tưởng đã thoáng nhận ra tổ chức không định xứ của vũ trụ và đã tìm được những cách diễn đạt độc đáo riêng đối với nhận thức sâu sắc này. Điều đáng lưu ý là, những nỗ lực này, dù dường như thô ráp đối với chúng ta, những người đã được chiều chuộng bởi các thành tựu công nghệ hiện đại, nhưng chúng có thể quan trọng hơn nhiều so với chúng ta tưởng. Chẳng hạn, hóa ra nhà toán học và triết học Đức Leibniz ở thế kỷ 17 đã từng làm quen với trường phái Hoa Nghiêm của tư tưởng Phật giáo. Một số người lập luận rằng điều này giải thích được Tại sao Leibniz đã đề xuất rằng vũ trụ được tạo thành từ những thực thể cơ bản mà ông gọi là “những đơn tử” (monad), mỗi đơn tử đều chứa đựng sự phản chiếu của toàn bộ vũ trụ. Và điều vô cùng quan trọng là chính Leibniz đã mang đến cho thế giới phép tính tích phân, phép tính đã tạo điều kiện cho Dennis Gabor phát minh ra toàn ảnh.

Trích: Vũ Trụ Toàn Ảnh
Tác giả: Michael Talbot
Dịch giả: Phạm Văn Thiều - Nguyễn Đình Điện
NXB Trẻ, Năm 2018

Ảnh nguồn internet

Sort:  

@thientinhtam, I gave you an upvote on your post! Please give me a follow and I will give you a follow in return and possible future votes!

Thank you in advance!

Congratulations @thientinhtam! You received a personal award!

Happy Birthday! - You are on the Steem blockchain for 1 year!

You can view your badges on your Steem Board and compare to others on the Steem Ranking

Vote for @Steemitboard as a witness to get one more award and increased upvotes!

Coin Marketplace

STEEM 0.29
TRX 0.24
JST 0.041
BTC 94266.26
ETH 3322.53
USDT 1.00
SBD 7.35